By GMM News | 2025-03-19 | Vietnam Shipping News |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh ký Quyết định số 08/QĐ-BXD về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam. Quyết định có hiệu lực từ 10.3.2025.
Vị trí và chức năng
Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ Xây dựng, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng (sau đây viết tắt là Bộ trưởng) quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật chuyên ngành hàng hải và giao thông đường thủy nội địa trong phạm vi cả nước.
Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và có trụ sở tại thành phố Hà Nội.
Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam có tên giao dịch bằng tiếng Anh: VIETNAM MARITIME AND WATERWAY ADMINISTRATION, viết tắt: VIMAWA.
Cơ cấu tổ chức Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam
Các tổ chức giúp việc Cục trưởng:
Văn phòng.
Phòng Tổ chức cán bộ.
Thanh tra.
Phòng Pháp chế.
Phòng Kế hoạch – Tài chính.
Phòng Hợp tác quốc tế – IMO.
Phòng Khoa học – Công nghệ và Môi trường.
Phòng Vận tải – An toàn và Phương tiện.
Phòng Kết cấu hạ tầng.
Các Chi cục Hàng hải và Đường thủy:
Chi cục Hàng hải và Đường thủy phía Bắc.
Chi cục Hàng hải và Đường thủy phía Nam.
Các Cảng vụ (gồm 22 cảng vụ):
Cảng vụ Hàng hải (18 cảng vụ).
Cảng vụ Đường thủy (04 cảng vụ).
Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc:
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam.
Trường Cao đẳng.
Một số nhiệm vụ chính của Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam như sau:
Quản lý và phát triển hệ thống hàng hải, đường thủy nội địa. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm cho ngành hàng hải và đường thủy.
Đề xuất và thực hiện các dự án phát triển hạ tầng hàng hải và giao thông đường thủy nội địa. Ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn và giám sát thực thi pháp luật.Kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật đối với hoạt động hàng hải và đường thủy.
Tổ chức quản lý, bảo trì, giám sát hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải và đường thủy nội địa. Trình Bộ Xây dựng phê duyệt kế hoạch xây dựng, bảo trì và nâng cấp cảng biển, bến thủy nội địa. Đề xuất mở, đóng, chuyển đổi luồng đường thủy nội địa và vùng nước hàng hải.
Thực hiện quản lý nhà nước về vận tải biển, vận tải thủy nội địa và dịch vụ hàng hải. Giám sát và đánh giá chất lượng dịch vụ vận tải hàng hải, vận tải đường thủy.
Xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho tàu biển, phương tiện thủy nội địa. Chỉ đạo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải thực hiện nhiệm vụ. Xây dựng và triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn hàng hải.
Tổ chức điều tra, xử lý tai nạn hàng hải và giao thông đường thủy. Phối hợp với các tổ chức quốc tế như IMO để đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về hàng hải.
Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành hàng hải và đường thủy. Giám sát hoạt động cấp chứng chỉ chuyên môn hàng hải và đường thủy nội địa.
Đại diện Bộ Xây dựng tham gia các tổ chức, hiệp hội hàng hải trong và ngoài nước. Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác cải cách hành chính. Quản lý các nguồn thu phí, lệ phí hàng hải và đường thủy theo quy định pháp luật.