By GMM News | 2024-05-02 | Vietnam Shipping News |
Theo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng tới năm 2030, hàng hóa quả cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ từ 215 triệu tấn-236,9 triệu tấn (trong đó hàng container từ 16,25 triệu Teu-18,25 triệu Teu). Hành khách đến, đi từ 2,67 triệu – 2,89 triệu lượt khách.
Đáng chú ý, quy hoạch định hướng đến năm 2030, tỷ lệ vận tải đường thủy nội địa tại khu vực chiếm từ 64,9-65,4%, vận tải đường bộ chiếm 34,6-35,1 %.
Quy mô của cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu gồm các khu bến Cái Mép, Thị Vải, Sao Mai – Bến Đình, Long Sơn, khu bến sông Dinh, bến cảng khách quốc tế Vũng Tàu, khu bến Côn Đảo, cùng các bến cảng dầu khí ngoài khơi và các bến phao, khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão.
Trong đó, hai khu bến được quy hoạch phát triển mạnh nhất là khu bến Cái Mép và Thị Vải. Đến năm 2030, quy mô khu bến Cái Mép phát triển từ từ 31-33 cầu cảng với tổng chiều dài từ 8.579-9.339 m, năng lực thông qua từ 145,6 triệu tấn-170,1 triệu tấn. Khu bến Thị Vải có quy mô phát triển từ 33-37 cầu cảng với tổng chiều dài từ 9.368-10.743 m, năng lực thông qua từ 53 triệu tấn -71,9 triệu tấn.
Bên cạnh phát triển hạ tầng cảng biển, quy hoạch cũng định hướng phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng tại khu vực.
Nhiều dự án được ưu tiên đầu tư giai đoạn này như đầu tư xây dựng luồng Vũng Tàu – Thị Vải từ phao số “0” vào khu bến cảng container Cái Mép.
Trong đó, đoạn luồng từ phao số “0” đến thượng lưu bến cảng container quốc tế Cái Mép (CMIT) cho tàu đến 200.000 tấn/18.000 Teu giảm tải hoặc lớn hơn; đoạn luồng từ thượng lưu bến cảng container quốc tế Cái Mép (CMIT) đến thượng lưu bến cảng container Tân cảng Cái Mép (TCIT và TCCT) cho tàu đến 160.000 tấn giảm tải hoặc lớn hơn; đoạn luồng tại khúc cong chữ “S”, đoạn luồng từ thượng lưu bến cảng container Tân cảng Cái Mép (TCIT và TCCT) đến bến cảng khởi động Phước An cho tàu 60.000 tấn đầy tải hoặc lớn hơn; đoạn luồng từ bến cảng Phước An đến bến cảng Gò Dầu trên sông Thị Vải cho tàu 30.000 tấn đầy tải; luồng Sài Gòn – Vũng Tàu từ phao GR đến sông Ngã Bảy cho tàu đến 70.000 tấn.
Đồng thời, nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến luồng Vũng Tàu – Thị Vải thành luồng hai làn tiếp nhận tàu trọng tải đến 250.000 tấn/24.000 Teu phù hợp với tiến trình phát triển các bến cảng phía hạ lưu.
Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải và quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải tại các khu vực cảng biển. Trường hợp huy động nguồn xã hội hóa, cho phép đầu tư luồng hàng hải phù hợp với quy mô quy hoạch bến cảng biển.
Hạ tầng giao thông kết nối cũng được định hướng, ưu tiên, tập trung phát triển tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đoạn Biên Hòa – Cái Mép kết nối khu cảng Cái Mép – Thị Vải; Các tuyến đường liên cảng, các tuyến kết nối tới các bến cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải (cầu Phước An kết nối đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải với cao tốc Bến Lức Long Thành).
Với đờng thủy nội địa và ven biển, tiến hành cải tạo nâng cấp các tuyến hành lang đường thủy nội địa theo quy hoạch, trong đó ưu tiên cải tạo nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa theo hành lang logistics kết nối giữa Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đến các cảng biển khu vực TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu; tuyến vận tải thủy quốc tế Campuchia.
Ngoài ra, nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu kết nối với tuyến đường sắt Sài Gòn – Lộc Ninh để vận chuyển hàng hóa từ khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và liên vận quốc tế về khu vực Cái Mép.