By GMM News | 2024-10-28 | Vietnam Shipping News |
Đội tàu biển của Việt Nam tới thời điểm hiện tại tính từ 500GT trở lên đã có tổng trọng tải trên 11 triệu tấn (DWT) với nhiều chủng loại. Đội ngũ sỹ quan thuyền viên của ta có khoảng 50.000 người, trong đó hơn 5.000 sỹ quan, thuyền viên đang làm việc trên các tàu nước ngoài. Cùng với sự phát triển đội tàu, các hiệp hội ngành như Hiệp hội cảng biển, Hiệp hội đóng tàu, Hiệp hội đại lý và môi giới hàng hải ra đời, và sắp tới đây Hiệp hội chủ tàu Việt Nam (VSA) sẽ tổ chức kỉ niệm 30 năm thành lập (Dự kiến ngày 15/11/2024 tại Hà Nội).
Người viết bài này muốn đi ngược dòng lịch sử một chút để đưa các bạn đọc về những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc mà thế hệ cha ông ta (ngành hàng hải) đã đóng góp.
Xin được chia sẻ với các bạn đọc là Ban liên lạc đội tàu Giải phóng – Tự lực – Quyết thắng (GP – TL – QT) đã cung cấp tư liệu và hành trình của 3 đội tàu cho ê kíp làm phim VTV9 để ê kíp có tư liệu cho bộ phim “MỞ LUỒNG”, dự kiến ra mắt khán giả vào tháng 11 tới trên VTV1 – VTV9 của Đài truyền hình Việt Nam.
Mặc dù mới chỉ có lời giới thiệu nhưng đã có rất nhiều người háo hức và kỳ vọng, nhất là các sỹ quan, thuyền viên đã từng làm việc trên các đội tàu này. Xin được giới thiệu về 3 đội tàu này để thỏa mãn sự tò mò của các độc giả. Tôi coi như đây là phần thuyết minh của phim “MỞ LUỒNG”.
Bối cảnh lịch sử chung và sự ra đời của 3 đội tàu GIẢI PHÓNG – TỰ LỰC – QUYẾT THẮNG
1. Bối cảnh lịch sử và nhiệm vụ của ngành đường biển
Ngày 5/8/1964, Mỹ viện cớ “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” tiến hành chiến dịch “Mũi tên xuyên” đánh phá miền Bắc Việt Nam. Sự kiện này mở đầu cho các chiến dịch phá hoại miền Bắc Việt Nam kéo dài gần 10 năm (1964 – 1973) của không quân và hải quân Mỹ.
Chiến lược leo thang phá hoại miền Bắc tiến hành từ tháng 8/1964 đến hết năm 1972. Mục đích “nhằm cắt đứt đường liên lạc với nước ngoài của miền Bắc Việt Nam, để miền Bắc hết đường viện trợ, phá hoại nguồn của cải của miền Bắc, quấy rối, phá hoại hoạt động quân sự và các cuộc vận chuyển…” (Tuyên bố của G Sharp – Đô đốc Tư lệnh hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương).
Chiến lược của Đảng ta là chuyển mọi hoạt động của thời bình sang thời chiến và xác định “…Giao thông vận tải là nhiệm vụ trọng tâm đột xuất có tính chiến lược của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là các tuyến đường chi viện cho miền Nam…”.
Theo đó, toàn ngành đường biển thời gian này tập trung thực hiện cả hai nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu, tập trung sức vào hai khâu chính là tiếp nhận hàng hóa viện trợ của nước ngoài và bốc xếp, vận tải hàng hóa chi viện cho chiến trường Khu IV và miền Nam. Đồng thời chuẩn bị cho sự phát triển đường biển trong tương lai.
Nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam do Đại hội Đảng lần thứ III (năm 1960) và tình hình cách mạng lúc bấy giờ, năm 1964, Bộ Giao thông vận tải quyết định tách bộ phận vận tải đường biển từ “Quốc doanh vận tải sông biển” để thành lập 02 Công ty Vận tải Đường biển 101 (bộ phận đường sông trở thành Công ty 102) và tiếp nhận đoàn tàu đánh cá vỏ sắt của tỉnh Quảng Bình và của Nghệ An thành Công ty 103.
Ngày 5/5/1965, Bộ Giao thông vận tải quyết định giải thể Cục Vận tải Đường thủy để thành lập Cục Vận tải Đường sông và Cục Vận tải Đường biển. Ngày 10/7/1965, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 136/CP chính thức thành lập Cục Vận tải Đường biển Việt Nam. Cục được giao trách nhiệm quản lý, chỉ huy các cơ sở, bộ phận trong ngành như: hệ thống cảng biển, đội tàu biển, đại lý tàu biển, bảo đảm hàng hải, công nghiệp sửa chữa cơ khí, xây dựng công trình thủy và trường đào tạo công nhân kỹ thuật đường biển.
2. Hoàn cảnh ra đời và nhiệm vụ cụ thể của mỗi đội tàu
Đội tàu TỰ LỰC
Ngày 29/8/1966, Cục Vận tải Đường biển quyết định giao cho Công ty 103 tổ chức đội tàu vỏ sắt, còn gọi là đội tàu Tự Lực (số hiệu Đội tàu 5-5).Đội tàu có đội trưởng là đồng chí Võ Bảy, (sau này là Phó Tổng cục trưởng – Tổng cục Đường biển) các đội phó là các đồng chí Phạm Mười và Đoàn Nghị. Trụ sở đóng tại 18 Trần Khánh Dư – thành phố Hải Phòng.
Lực lượng của đội tàu Tự Lực bao gồm các tàu đánh cá vỏ sắt trọng tải 20 – 30 tấn, các tàu vỏ sắt do các xưởng của ta đóng có trọng tải 50 tấn với công suất 120 CV, các tàu Trung Quốc đóng có trọng tải 50 tấn công suất 150 CV. Ký hiệu tàu là TL hoặc VS kèm theo số phía sau, số lượng hàng trăm chiếc.
Nhiệm vụ của đội tàu Tự Lực là vận tải, chuyển tải hàng hóa bằng đường biển (kể cả đường sông) trên tuyến đường ven biển từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định vào Khu IV (các cảng: Cửa Hội, Bến Thủy, Cửa Sót, Gianh, Nhật Lệ…) trong bất kỳ tình huống nào (khi tạm ngừng chiến cũng như khi bị phong tỏa bắn phá), tham gia rà phá thủy lôi, bom từ trường, tham gia phòng chống bão lụt và hàn gắn đê điều ở Bắc Bộ. Ngoài ra, đội tàu Tự Lực còn được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, quân nhu cho chiến trường miền Nam.
Đội tàu GIẢI PHÓNG
Ngày 04/10/1966, Cục Vận tải Đường biển ra quyết định giải thể Công ty Vận tải đường biển (tức Công ty 101) để thành lập Đội tàu Giải Phóng – quản lý các tàu “Giải Phóng” và Đội tàu Quyết Thắng – quản lý các tàu vận tải hàng hóa và vận chuyển nhiên liệu tuyến đường sông.
Quý 3 năm 1965, được phép của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Ngoại thương đã cử các đồng chí Lý Ban – Thứ trưởng Bộ Ngoại thương, Đào Văn Quang, Bế Cao Bảo – Phó Cục trưởng Cục Vận tải Đường biển và đồng chí Trần Hữu Liêm – công trình sư sang đàm phán với Trung Quốc về mở luồng vận tải biển Việt – Trung, đóng giúp ta các phương tiện vận tải mới, đồng thời hoán cải 2 tàu Trạm Giang và Hoàng Phố là hai tàu đổ bộ do Trung Quốc thu được của chính quyền Tưởng Giới Thạch trọng tải 2.000 tấn thành tàu chở dầu. Phía Trung Quốc đồng ý với đề nghị của ta và khẩn trương đóng mới các loại tàu: Giải Phóng, các tàu vỏ sắt để chở hàng khô và xăng dầu.
Đội tàu Giải Phóng có đội trưởng là đồng chí Nguyễn Kỳ Lân, đội phó là đồng chí Trần Thanh Sơn. Trụ sở đóng tại số 1B, Hoàng Văn Thụ – thành phố Hải Phòng.
Tàu Giải Phóng: trọng tải 50 tấn – lắp máy Niigata của Nhật Bản công suất 900 CV, 2 máy phát điện 10,5 kW/máy. Tàu sơn màu xanh ghi (nước biển) phía mũi và lái, bố trí 2 khẩu súng 12.7 ly, trông giống như tàu của Hải quân. Sau này ta hoán cải để trọng tải chở được 100 tấn, lắp máy Đức 225 CV. Thuyền bộ: 13 người gồm thuyền trưởng, máy trưởng, 2 sĩ quan lái, 2 sĩ quan máy, 1 vô tuyến điện, còn lại là thủy thủ và thợ máy.
Đợt đầu nhận 2 chiếc do đồng chí Lê Văn Vị hoa tiêu Cảng Cửa Ông làm trưởng đoàn, 2 Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tý và Nguyễn Văn Lễ ( Cả Lễ ) dẫn tàu vào ban đêm đưa về Cảng Hải Phòng an toàn.
Đợt 2 nhận 3 chiếc, cả Thuyền trưởng Trung Quốc và Việt Nam dẫn tàu đi luồng ngoài Vịnh Hạ Long đến đảo Thượng Mai bị máy bay Mỹ bắn chìm 2 chiếc, trong đó tàu mang số hiệu 1018 bị đánh chìm nhưng thuyền trưởng Trần Đại Anh người Trung Quốc may mắn thoát chết, khi trở về Trung Quốc được phong Anh hùng, sau đó tiếp tục dẫn tàu Hồng Kỳ cũng mang số hiệu 1018 chở hàng sang Việt Nam. Một số thuyền viên Việt Nam và Trung Quốc chết và mất tích ở 2 tàu nói trên trong đó có hoa tiêu Huỳnh Văn Đảnh. Một tàu do Thuyền trưởng Nguyễn Văn Lễ ( Cả Lễ ) chạy thoát được về Hải Phòng.
Rút kinh nghiệm của 2 lần nhận tàu trước, nhiều lần nhận tàu sau này khi ra khỏi Bắc Hải chạy dọc phía bên trong đảo Vĩnh Thực, ra Cửa Tiểu luồn qua Bái Tử Long, Hạ Long rồi vượt sông Tranh (Quảng Yên) về Cảng Hải Phòng.
Đầu năm 1967, số tàu Giải Phóng được tiếp nhận an toàn và tập kết tại Cảng Vật Cách, Mom Thủy đội – Hải Phòng là 37 chiếc (Đánh số từ 1 tới 37).
Do không quân Mỹ đánh phá ác liệt cả ngày lẫn đêm và dùng bom mìn, thủy lôi phong tỏa các cảng biển từ Hòn Gai, Hải Phòng đến Quảng Bình nên các tàu Giải Phóng chỉ hoạt động vận chuyển đạn dược, lương thực, các nhu yếu phẩm vào Khu IV (Cảng Cửa Hội, Bến Thủy, Sông Gianh, Nhật Lệ) trong các dịp nghỉ lễ Noel, Tết Dương Lịch, Tết Nguyên Đán và các đợt chiến dịch vận chuyển (như chiến dịch chống phong tỏa lần thứ nhất 1965 – 1968, chiến dịch 37 ngày đêm 10/1967, chiến dịch VT5 1968 – 1969, chiến dịch Đông Bắc (Năm 1972 sau khi Mỹ phong tỏa cảng Hải Phòng và các cảng Miền Bắc bằng thủy lôi…).
Thời gian còn lại tàu phải sơ tán ở các sông rạch tại Hải Dương, Hà Bắc, sông Lam (Hà Tĩnh), thượng nguồn sông Gianh, sông Nhật Lệ (Quảng Bình), …
Đội tàu QUYẾT THẮNG
Ngày 10/9/1966, Bộ Giao thông vận tải ra quyết định chuyển giao số phương tiện và nhân lực vận chuyển xăng dầu từ Công ty Vận tải Bạch Đằng (202) thuộc Cục Vận tải Đường sông sang Cục Vận tải Đường biển quản lý.
Ngày 4/10/1966, Cục Vận tải Đường biển thành lập Đội tàu dầu (cùng ngày với đội tàu Giải Phóng), do đồng chí Ngô Tuyết ( Sau này là Giám đốc Công ty SO Vosco Sài Gòn) làm đội trưởng; đội phó là các đồng chí Phạm Ngọc Tuấn, Nguyễn Duy Nhai, Phạm Tân; Bí thư là đồng chí Lê Thừa. Trụ sở đóng tại số 8 Hoàng Văn Thụ – Hồng Bàng – Hải Phòng.
Ngày 25/1/1968, Cục Vận tải Đường biển ra quyết định đổi tên Đội tàu dầu thành đội tàu Quyết Thắng. Các tàu của đội tàu Quyết Thắng có ký hiệu bằng các chữ cái ở đầu và chữ số đi kèm gồm: TD (tàu lai dắt) E, G (sà lan 50 và 100T), H (sà lan tự hành 100, 200, 300 T) và một số tàu TL, VS chở nhiên liệu do ta và Trung Quốc đóng có trọng tải 50T với công suất 300 CV.
Đội tàu có nhiệm vụ tiếp nhận và vận tải xăng dầu từ các tàu nước ngoài neo đậu tại khu vực Vịnh Hạ Long (H1) đưa vào các kho xăng dầu ở Hải Phòng và vận chuyển xăng dầu đi khắp các tỉnh ở miền Bắc: Hà Nội, Nam Định, Khu IV… Cung cấp xăng dầu cho tất cả các tàu của Cục Vận tải Đường biển.
Thực hiện chiến lược của Đảng, Bộ Giao thông vận tải và Cục Vận tải Đường biển đã có những quyết sách phù hợp với tình hình diễn biến của cuộc kháng chiến theo từng thời kỳ. Việc ra đời của 3 đội tàu Giải Phóng – Tự Lực – Quyết Thắng và tên gọi của chúng thể hiện ý chí sắt đá, quyết tâm đánh giặc Mỹ xâm lược trên mặt trận Giao thông vận tải ở mọi lúc, mọi nơi để giành thắng lợi cuối cùng.
Hà Đức Bàng – Nguyên thủy thủ tàu Giải Phóng, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam ( VIMC – VINALINES )