Hàng Hải Việt Nam

VIETNAM MARITIME : Hoạt Động Chiến Đấu Của 3 Đội Tàu TỰ LỰC – GIẢI PHÓNG – QUYẾT THẮNG | Giai Đoạn 1972 – 1975 Thời Kỳ Chống Mỹ Cứu Nước

By GMM News | 2025-01-10 | Vietnam Shipping News |

Hoạt động của 3 đội tàu Lịch sử TỰ LỰC – GIẢI PHÓNG – QUYẾT THẮNG trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1965 – 1975 có thể chia làm 3 giai đoạn.

A – Giai đoạn 1965-1968Chống chiến tranh phá hoại và phong tỏa đường biển lần thứ nhất.Giai đoạn này do Cục trưởng Cục vận tải Đường biển ông Lê Văn Kỳ trực tiếp quản lý và điều hành. Cụ thể tham gia các chiến dịch:

– Chiến dịch Đông Xuân 1965-1966.

– Chiến dịch 37 ngày đêm Đông Xuân 1966-1967 (Khi Mỹ ngừng ném bom).

– Chiến dịch VT5 (viết tắt của chữ Vận Tải Tranh Thủ Tụt Thang).

B – Giai đoạn 1969 – 1971Tham gia chiến dịch vận chuyển phục vụ Đường 9 Nam Lào. Giai đoạn này do Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) trực tiếp quản lý và điều hành.

C – Giai đoạn 1972 – 1975: Chống chiến tranh phá hoại và phong tỏa đường biển lần thứ hai. Giai đoạn này do Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) và Công ty Vận tải ven biển Việt Nam (Vietcoship) trực tiếp quản lý và điều hành. Cụ thể tham gia các chiến dịch:

– Chiến dịch Đông Bắc (chở gạo và hàng hóa, xăng dầu từ 2 cảng Bắc Hải và Phòng Thành của Trung Quốc về Việt Nam ).

– Chiến dịch Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, giải phóng Miền Nam thống nhất Đất Nước.

 

Giai đoạn 1972 – 1975: Chống chiến tranh phá hoại và phong tỏa đường biển lần thứ hai của Đế quốc Mỹ và Tổng tấn công giải phóng Miền Nam

 

Mùa xuân năm 1972, bằng chiến dịch vận tải 25 – 3, ngành Đường biển đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đưa 59.000 tấn hàng vào Nghệ An, 30.600 tấn hàng vào Hà Tĩnh, chuyển tải được 25.000 tấn hàng của các tàu Hồng Kỳ (Trung Quốc) neo ở vùng biển Khu IV Hòn Ngư để tướng Đồng Sỹ Nguyên qua đường 559 đưa vào chiến trường miền Nam.

Ngày 30/3/1972, quân ta tấn công tỉnh Quảng Trị và Kon Tum và từ ngày 01/4/1972 trở đi, các cuộc tấn công của quân và dân ta lan rộng sang Khu V, miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước việc thất thủ ở Quảng Trị ngày 04/4/1972, Tổng thống Mỹ Nixson quyết định “Mỹ hóa” chiến tranh ở miền Nam, tập trung lực lượng không quân và hải quân đánh phá hết sức ác liệt miền Bắc. Từ ngày 06/4 đến ngày 25/4/1972, máy bay Mỹ bắn phá: Cảng Gianh, Cửa Hội, Xuân Hải, Bến Thủy. Ngày 16/4/1972, máy bay Mỹ bắn phá và ném bom B52 xuống thành phố Hải Phòng gồm: Sở Dầu, 6 kho của Cảng Hải Phòng, văn phòng Cục Vận tải Đường biển, Công ty Bảo đảm Hàng hải, xưởng cơ khí Z21, trụ sở Công ty Vận tải biển Việt Nam ở cả 2 địa điểm số 4 Cù Chính Lan và số 1B Hoàng Văn Thụ, khu tập thể công nhân Cầu Tre… Đã có 81 cán bộ công nhân, thuyền viên của ngành hy sinh trong đợt bắn phá này. Ngày 08/5/1972, Mỹ quyết định phong tỏa toàn bộ các tuyến vận tải đường biển ở miền Bắc và Cảng Hải Phòng bằng cách thả mìn, thủy lôi thế hệ mới.

Trong tình hình đó, tại Khu IV, lực lượng đội tàu của Công ty gồm 17 tàu Giải Phóng, 94 tàu Tự Lực bị đe dọa nghiêm trọng. Để đảm bảo lực lượng, sau khi xin ý kiến của cấp trên và Bộ Tư lệnh Quân Khu IV, đồng chí Võ Bảy đã quyết định rút phần lớn đội tàu ra khỏi Khu IV trở về miền Bắc. Vì vậy 67 tàu rút về được an toàn, 33 tàu bị địch bắn chìm. Rất nhiều cán bộ và thuyền viên đã anh dũng hy sinh. Tại Hải Phòng, văn phòng công ty chỉ để một lực lượng cắm chốt và trực chiến, phần lớn phòng ban đều phải sơ tán tại huyện Kinh Môn (Hải Dương).

Chiến dịch vận tải Đông Bắc:

Giữa năm 1972, cuộc chiến chống phong tỏa được triển khai rộng khắp trên hầu hết vùng biển miền Bắc. Lực lượng rà phá thủy lôi, bom mìn của ngành đường biển phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Hải quân, các quân khu, các tỉnh, thành phố ven biển thực hiện quét thủy lôi bằng những phương tiện khí tài do ta tự chế được trang bị. Hầu hết các tàu Tự Lực, Giải Phóng đã trực tiếp tham gia vào chiến dịch vận tải Đông Bắc.

Tháng 6/1972, các tàu GP 16, GP 25 do Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Tuyền và Nguyễn Ngọc Quang cùng một số Thuyền trưởng khác theo 2 tàu trên đi mở luồng thành công.

Tháng 7/1972, Cục đường biển huy động toàn bộ số tàu Giải Phóng, Tự Lực và Quyết Thắng vào tham gia chiến dịch. Trong tháng này, Trung Quốc viện trợ cho ta 50 tàu VS-50T (gồm cả tàu chở hàng và chở xăng dầu), 8 sà lan biển (800 – 2.000T), 4 tàu kéo biển. Do có thêm phương tiện, chiến dịch Đông Bắc đã thắng lợi tốt đẹp, khối lượng hàng từ Trung Quốc về Hải Phòng tăng từ 7.000 tấn tháng 7/1972 lên 22.300 tấn (tháng 12/1972).

Tại Khu IV, do địch bắn phá và phong tỏa mạnh, tàu của ta không vào được, Cục Vận tải Đường biển đã vận động tàu Trung Quốc vào Hòn Ngư neo và áp dụng phương thức thả trôi hàng từ vùng neo vào bờ và đã thu được kết quả đáng kể. Tuy vậy, các tàu Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan… đậu ở Cảng Hải Phòng và Hòn Ngư nhiều lần bị máy bay Mỹ bắn phá (tàu Balan Corrat bị trúng bom tại Cảng 6 Hải Phòng ngày 16/04).Sau chiến dịch đánh phá Hà Nội, Hải Phòng 12 ngày đêm bằng B52 (12/1972) bị thất bại thảm hại, Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc (15/01/1973) và buộc phải ký hiệp định Paris (27/01/1973) lập lại hòa bình ở Việt Nam, đồng thời có trách nhiệm rà phá thủy lôi ở vùng biển miền Bắc Việt Nam.

Ngày 16/01/1973, tàu HQ-160 mở luồng đưa tàu 20-7 của Công ty Vận tải biển Việt Nam vào Cảng Hải Phòng, khai thông luồng Hải Phòng cho các tàu Trung Quốc, Cu Ba, Liên Xô và các nước khác nhập hàng cho ta. Cuối tháng 5/1973, tất cả các tuyến luồng và các cảng ở miền Bắc đã được rà phá hết thủy lôi.

Trong hai năm 1972 – 1973, Công ty Vận tải biển Việt Nam ( Vosco ) đã huy động 36 tàu Tự Lực chở tên lửa “SAM 2” phục vụ kịp thời cho cuộc tấn công thị xã Đông Hà (Quảng Trị), các tàu Giải Phóng được giao nhiệm vụ chở người, lương thực vào Đà Nẵng sau khi thành phố này được giải phóng vào ngày 29/3/1975.

Chiến dịch tổng tiến công giải phóng miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975:

Ngày 31/3/1975, Trung ương Đảng quyết định thành lập các đoàn cán bộ khung để giải phóng đến đâu tiếp quản đến đó.

Bộ Giao thông vận tải ra Nghị quyết “Địch rút đến đâu vận tải đường biển vươn tới đó”. Ngày 01/4/1975, Bộ Giao thông vận tải ra quyết định thành lập Công ty Vận tải ven biển Việt Nam (Vietcoship) quản lý các tàu của toàn bộ 3 đội tàu Giải Phóng, Tự Lực, Quyết Thắng trước đây và các sà lan biển, tàu kéo biển và tách ra từ Công ty vận tải biển Việt Nam (Vosco) trụ sở tại 1B Hoàng Văn Thụ. Các tàu lớn (thuộc đội tàu Hữu Nghị sau này có thêm Hồng Hà, Sông Đà và Sông Lô được Liên Xô cho) do Vosco quản lý (trụ sở số 4 Cù Chính Lan, Hải Phòng).

Ngay sau khi ký hiệp định Paris (27/01/1973), bằng phương pháp vay mua, Cục trưởng Lê Văn Kỳ đã mua một loạt các tàu hàng khô như Sông Hương, Đồng Nai, Hải Phòng của Thụy Điển (Trọng tải 9.850T), và hai tàu chở dầu Cửu Long của Nauy  (Trọng tải 20.840T) giao cho Vosco quản lý và tàu khách Thống Nhất cũng của Nauy (Vietcoship quản lý) để phục vụ chở khách giữa 2 miền Nam Bắc. Vì vậy ngay sau khi giải phóng miền Nam, ngày 13/05/1975 tàu Sông Hương do thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nghiêm chỉ huy đã cập bến Nhà Rồng đưa 541 cán bộ Miền Nam tập kết về tiếp quản Sài Gòn, trước sự phấn khởi và ngạc nhiên của nhân dân Sài Gòn. Đây là một quyết định sáng suốt của cục trưởng Lê Văn Kỳ – người có tầm nhìn xa, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của ngành Hàng hải Việt Nam.

. . .

Ghi chép : Hà Đức Bàng – Nguyên thủy thủ Đội tàu Giải Phóng, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam ( VIMC – VINALINES )

 

 

WegoUniform sẽ gọi lại ngay trong thời gian từ 8h - 20h hàng ngày. Khung giờ còn lại chúng tôi sẽ gọi vào 8h sáng hôm sau

Yêu cầu tư vấn