By GMM News | 2024-11-05 | Vietnam Shipping News |
Hoạt động của 3 đội tàu Lịch sử TỰ LỰC – GIẢI PHÓNG – QUYẾT THẮNG trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1965 – 1975 có thể chia làm 3 giai đoạn.
A – Giai đoạn 1965-1968: Chống chiến tranh phá hoại và phong tỏa đường biển lần thứ nhất.Giai đoạn này do Cục trưởng Cục vận tải Đường biển ông Lê Văn Kỳ trực tiếp quản lý và điều hành. Cụ thể tham gia các chiến dịch:
– Chiến dịch Đông Xuân 1965-1966.
– Chiến dịch 37 ngày đêm Đông Xuân 1966-1967 (Khi Mỹ ngừng ném bom).
– Chiến dịch VT5 (viết tắt của chữ Vận Tải Tranh Thủ Tụt Thang).
B – Giai đoạn 1969 – 1971: Tham gia chiến dịch vận chuyển phục vụ Đường 9 Nam Lào. Giai đoạn này do Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) trực tiếp quản lý và điều hành.
C – Giai đoạn 1972 – 1975: Chống chiến tranh phá hoại và phong tỏa đường biển lần thứ hai. Giai đoạn này do Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) và Công ty Vận tải ven biển Việt Nam (Vietcoship) trực tiếp quản lý và điều hành. Cụ thể tham gia các chiến dịch:
– Chiến dịch Đông Bắc (chở gạo và hàng hóa, xăng dầu từ 2 cảng Bắc Hải và Phòng Thành của Trung Quốc về Việt Nam ).
– Chiến dịch tổng tiến công mùa xuân năm 1975, giải phóng đất nước.
Giai đoạn 1969 – 1971: Tham gia chiến dịch vận chuyển phục vụ Chiến dịch Đường 9 Nam Lào.
Mặc dù chiến tranh phá hoại miền Bắc tạm ngừng nhưng hậu quả của 4 năm chiến tranh là hết sức nặng nề. Hầu hết các cầu cảng, bến bãi đều bị phá hỏng. Luồng lạch nhiều chỗ nông cạn chưa được khai thông, bom mìn, thủy lôi vẫn chưa được rà phá hết, cơ sở sản xuất bị phân tán khắp nơi. Đời sống của cán bộ, công nhân viên trong ngành gặp khá nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Cục Vận tải Đường biển đã tiến hành kiểm kê tài sản trong ngành, phục hồi sản xuất và quyết tâm : “Tập trung đảm bảo mạch máu giao thông trên biển thông suốt, liên tục kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam và các tỉnh Khu IV…”.
Trước yêu cầu trên, theo đề nghị của Cục Vận tải Đường biển, Bộ Giao thông vận tải đã ra quyết định giải thể 3 đội tàu để thành lập Công ty Vận tải biển Việt Nam. Ngày 01/7/1970 Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) chính thức đi vào hoạt động. Nhiệm vụ của Công ty là quản lý tốt các phương tiện thiết bị trên, tổ chức kinh doanh theo chế độ hạch toán kinh tế, mở các tuyến luồng vận tải biển trong nước và quốc tế.Lúc mới thành lập (01/7/1970), Công ty quản lý 217 tàu nhưng chỉ có 34.245 tấn trọng tải bao gồm các tàu Tự Lực, Giải Phóng, trọng tải từ 50 – 100 tấn, tàu lai dắt và sà lan trọng tải từ 40 – 300 tấn, số sà lan biển trọng tải 800 tấn và 7 tàu lớn trọng tải 800 – 3.500 tấn, gồm các tàu Hòa Bình, Hữu Nghị, Bến Thủy, Thống Nhất, Việt Bảo mà trước đây Cục đường biển quản lý.
Các tàu Hòa Bình, Hữu Nghị, Thống Nhất, Cửu Long dầu, Đoàn Kết (đắm tại Khu 4 do bị ném bom) do Liên Xô viện trợ, tàu Việt Bảo (TT 3500T do Bungary viện trợ), tàu Việt Ba (TT 5000T bị chìm ở eo Hải Nam, Trung quốc kéo về Quảng Châu).
Phần lớn các tàu sau 4 năm hoạt động trong chiến tranh bị hư hỏng phải sửa chữa nhiều, cần thiết bị phụ tùng để sửa chữa thay thế thiếu thốn, các cơ sở sửa chữa của công ty và của ngành trình độ kỹ thuật còn lạc hậu. Đội ngũ thuyền viên, cán bộ công nhân viên có 2.775 người nhưng số được đào tạo chính quy không nhiều, hầu hết thông qua thực tế sản xuất, chiến đấu từ các phương tiện nhỏ, thô sơ… Tuy vậy với sự lao động cần cù, sáng tạo, quyết tâm cao đã được thử thách, tôi luyện trong chiến tranh, cán bộ công nhân viên và sĩ quan, thuyền viên Công ty Vận tải biển Việt Nam vượt qua mọi khó khăn đưa hoạt động của công ty ổn định và phát triển.
Công tác vận tải vào Khu IV của Công ty được ưu tiên về mọi mặt nhằm mục đích đưa nhiều hàng và lập chân hàng cho các đoàn tàu Tự Lực, Giải Phóng chuyển hàng phục vụ chiến trường.
Ngày 14/10/1970 Cục Vận tải Đường biển quyết định thành lập “Trạm vận tải Khu IV”, trụ sở tại Cửa Hội (Nghệ An) và 2 phân trạm ở sông Gianh và Nhật Lệ với chức năng theo dõi, quản lý, khai thác, điều động, sửa chữa các phương tiện hoạt động ở Khu IV do đồng chí Võ Bảy – nguyên đội trưởng đội Tự Lực làm Trạm trưởng, các đồng chí Nguyễn Thượng Sơn, Lê Diện làm Trạm phó.
Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào:
Cuối tháng 12/1970, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ráo riết chuẩn bị cuộc hành quân lớn vào Nam Lào nhằm “cắt đứt đường vận chuyển Trường Sơn, cô lập Cách mạng miền Nam và kéo quân chủ lực của ta vào đó để tiêu diệt”. Tháng 2/1971, Tổng thống Mỹ Nickson thông qua kế hoạch Abram và mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh vào Đường 9 – Nam Lào. Đồng thời địch đã đưa nhiều tàu biệt kích bắn phá vùng ven biển miền Bắc nhằm ngăn chặn tuyến chi viện bằng đường biển của ta.
Trung ương Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ cho ngành Đường biển phối hợp chặt chẽ với quân chủng hải quân, công binh nhanh chóng chuyển một số lượng lớn vũ khí hạng nặng như xe tăng, thiết giáp từ miền Bắc tập kết ở khu vực Cảng Gianh để vận chuyển vào chiến trường. Với 7 tàu Tankit do các Thuyền trưởng: Nguyễn Hữu Trinh, Lê Nhật Quang, Nguyễn Bá Trí, Trần Đức Thịnh, Hồ Thái Hùng, Trần Văn Tiên, Nguyễn Duy Hồ điều khiển đã mưu trí ngụy trang nhận hàng từ Cửa Hội vào Cảng Gianh được an toàn. Trong 25 ngày của tháng 2/1971, đã có 54 xe tăng T54 được bàn giao trực tiếp cho Đoàn 559 theo đúng kế hoạch. Trong quá trình vận chuyển, lực lượng thuyền viên đã chiến đấu với các tàu biệt kích của địch, bảo vệ được tàu và hàng.Kết quả Chiến dịch vận tải đột xuất đã góp phần đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của địch. Nhiều tàu vận tải và thuyền viên được Nhà nước và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân khen thưởng (Ra đời tháng 9/1954, đến năm 1975 Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ngừng hoạt động).
Ngoài ra, dưới sự chỉ huy của Cục trưởng Lê Văn Kỳ, các tàu TL, TK, TD, G, H đã tham gia vận chuyển được 2.580 m3 đá hộc, 30.000 bao cát để hàn gắn đê điều ở Yên Viên (Hà Nội), Vĩnh Bảo (Hải Phòng), Nhất Trại, Gia Lương (Hà Bắc) trong các trận chống lụt từ tháng 8/1971 đến tháng 9/1971.
. . .
Ghi chép : Hà Đức Bàng – Nguyên thủy thủ đội tàu Giải Phóng, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam ( VIMC – VINALINES )