By GMM News | 2024-11-03 | Vietnam Shipping News |
Hoạt động của 3 đội tàu Lịch sử TỰ LỰC – GIẢI PHÓNG – QUYẾT THẮNG trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1965 – 1975 có thể chia làm 3 giai đoạn.
A – Giai đoạn 1965-1968: Chống chiến tranh phá hoại và phong tỏa đường biển lần thứ nhất.Giai đoạn này do Cục trưởng Cục vận tải Đường biển ông Lê Văn Kỳ trực tiếp quản lý và điều hành. Cụ thể tham gia các chiến dịch:
– Chiến dịch Đông Xuân 1965-1966.
– Chiến dịch 37 ngày đêm Đông Xuân 1966-1967 (Khi Mỹ ngừng ném bom).
– Chiến dịch VT5 (viết tắt của chữ Vận Tải Tranh Thủ Tụt Thang).
B – Giai đoạn 1969 – 1971: Tham gia chiến dịch vận chuyển phục vụ Đường 9 Nam Lào. Giai đoạn này do Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) trực tiếp quản lý và điều hành.
C – Giai đoạn 1972 – 1975: Chống chiến tranh phá hoại và phong tỏa đường biển lần thứ hai. Giai đoạn này do Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) và Công ty Vận tải ven biển Việt Nam (Vietcoship) trực tiếp quản lý và điều hành. Cụ thể tham gia các chiến dịch:
– Chiến dịch Đông Bắc (chở gạo và hàng hóa, xăng dầu từ 2 cảng Bắc Hải và Phòng Thành của Trung Quốc về Việt Nam ).
– Chiến dịch tổng tiến công mùa xuân năm 1975, giải phóng đất nước.
Giai đoạn 1965 – 1968: Chống chiến tranh phá hoại và phong tỏa đường biển lần thứ nhất
Chiến dịch Đông Xuân : Sau “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” ngày 05/8/1964, đế quốc Mỹ ngày càng leo thang dùng không quân, hải quân đánh phá, thả bom mìn phong các cảng sông, cảng biển. Từ năm 1966 – 1967, Mỹ tiếp tục triển khai các chiến dịch “Sấm Rền”, “Biển Lửa” nhằm thực hiện âm mưu “Ngăn chặn cho Bắc Việt Nam không còn lối nào nhận viện trợ từ bên ngoài”. Tháng 4/1966, máy bay Mỹ bắn phá các đảo Cô Tô, Long Châu, Hòn Dấu… Từ 29/6/1966 tới tháng 8/1966, hệ thống các kho xăng dầu của ta ở Đức Giang (Hà Nội), Kinh Môn (Hải Dương), Nam Định, Thái Nguyên, Bố Hạ (Hà Bắc), Thanh Hóa, Nghệ An bị máy bay bắn phá ác liệt. Tháng 3/1967, chúng bắt đầu thả thủy lôi xuống các cửa sông. Đến tháng 9/1967, tăng cường bắn phá và thả thủy lôi tại cácCảng Hải Phòng, Cẩm Phả, Hòn Gai (Quảng Ninh), Bến Thủy, Cửa Hội (Nghệ An), Cửa Sót, Cửa Nhượng (Hà Tĩnh), Cảng Gianh, Nhật Lệ (Quảng Bình), bị ném bom và bắn phá nhiều lần và phong tỏa bằng thủy lôi, bom từ trường.
Để chống lại những âm mưu, thủ đoạn đánh phá của địch, Cục Vận tải Đường biển dưới sự lãnh đạo của Cục trưởng Lê Văn Kỳ chỉ đạo quyết tâm tổ chức tốt việc tiếp nhận hàng hóa nhập khẩu và viện trợ của các nước anh em, tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng, phục vụ sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc, và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Đội tàu Tự Lực dưới sự chỉ huy của đội trưởng Võ Bảy, đội phó Phạm Mười đã khẩn trương tổ chức lực lượng, không ngại khó khăn nguy hiểm, vừa vận tải, vừa ngụy trang lẩn tránh địch để mở đường và giữ vững tuyến luồng vận tải, không để gián đoạn trong bất kỳ tình huống nào.
Đội tàu được tổ chức theo 2 phân đội, 1 phân đội lấy hàng từ Cảng Hải Phòng chạy theo tuyến đường sông vào Nam Định; phân đội còn lại phân tán dọc theo 2 bờ sông Ninh Cơ (Nam Định) sau khi lấy hàng ra cửa Lạch Giang chạy vào Bến Thủy, sông Gianh hoặc Nhật Lệ. Trên các cung đoạn từ Nam Định vào vùng duyên hải của các tỉnh Khu IV, Cục Vận tải Đường biển chỉ đạo xây các ụ trú ẩn dã chiến và trang bị lưới ngụy trang cho tất cả các tàu Tự Lực.
Với phương châm tránh địch, đưa hàng đến đích là chính, chiến đấu đánh trả máy bay, tàu chiến địch chỉ khi bị tấn công, quá trình vận chuyển, sĩ quan, thuyền viên đã rất bình tĩnh, gan dạ, anh dũng kiên cường và xuất hiện nhiều tấm gương xung phong đi đầu mở tuyến , điển hình như Thuyền trưởng Trịnh Văn Vàng, thủy thủ Nguyễn Thanh Hải tàu TL 02-20. Sau chuyến thứ 2 trả hàng xong gần về đến đích thì bị máy bay địch phát hiện đuổi theo bắn chìm và 2 đồng chí đã anh dũng hy sinh.
Học tập tấm gương hy sinh anh dũng của 2 đồng chí, toàn bộ đội tàu đã phát động phong trào thi đua: giữ vững tuyến đường, quay vòng nhanh, tăng tải trọng, bảo quản tốt hàng hóa, đưa hàng tới đích an toàn.
Trong phong trào thi đua, nhiều đơn vị điển hình như các tàu: TL 06, VS 21, VS 24, VS 32, VS 35… chạy từ Nam Định vào Cửa Hội 2 chuyến/tháng đã tăng lên đến 3chuyến/tháng và những tấm gương mưu trí dũng cảm không ngại hy sinh như các Thuyền trưởng Võ Tự Trình, Ngô Lụa, Nguyên Bưng, Nguyễn Nuôi, Lê Thanh Bùi, Lê Văn Bé….
Đội tàu Quyết Thắng do đội trưởng Ngô Tuyết, đội phó Vũ Duy My chỉ huy tiếp nhận xăng dầu ở các tàu lớn của Liên Xô, Trung Quốc và một số nước tư bản neo đậu tại Vịnh Hạ Long. Các đoàn tàu lai dắt sà lan, sà lan tự hành, các tàu Tự Lực, VS dầu ban đêm cập mạn tàu ngoại bơm hàng xong ngụy trang về các chỗ ẩn nấp sơ tán tránh máy bay địch, đêm sau mới vận chuyển đến các kho tập kết. Đối với tàu sông thì vận chuyển đi Hải Phòng, Hà Nội, Hà Bắc, Nam Định. Đối với tàu VS, TL chở dầu thì vận chuyển vào Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Trong chiến tranh, xăng dầu là mặt hàng chiến lược số 1, là mạch máu đảm bảo cho giao thông thông suốt, cung cấp cho hàng ngàn xe ô tô vận chuyển hàng ra tiền tuyến, cho xe tăng, máy bay chiến đấu, phục vụ sản xuất và chiến đấu ở hậu phương. Ngoài việc cấp trực tiếp cho các tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển, xăng dầu được tập kết ở các kho dự trữ để bơm vào đường ống chạy dọc theo đường mòn 559 của tướng Đồng Sỹ Nguyên phục vụ chiến trường miền Nam.
Bằng trí thông minh, lòng dũng cảm và phải chịu những tổn thất hy sinh, từ ngày 10/9/1966 đến cuối năm 1969, đội tàu Quyết Thắng đã vận chuyển cả triệu tấn xăng dầu phục vụ cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước ở cả hai miền.
Đối với Đội tàu Giải Phóng, khi địch đánh phá ác liệt, Cục Vận tải Đường biển chỉ đạo phải sơ tán, che dấu lực lượng ở Vịnh Hạ Long, thượng nguồn các sông ở Hà Bắc, bảo toàn lực lượng làm nhiệm vụ dự bị chiến lược, đội tàu này sẵn sàng phục vụ các chiến dịch khi địch ngừng ném bom (những ngày Noel, lễ Tết…), vận chuyển hàng từ Cảng Hải Phòng “thần tốc” 1 đêm đến Khu IV.
Bị thất bại nặng nề ở cả 2 miền Nam, Bắc, Mỹ buộc phải chấp nhận lùi một bước chiến lược. Tối 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 19 trở ra, nhưng từ vĩ tuyến 19 trở vào chúng tập trung bom đạn đánh phá ác liệt hơn, số trận ném bom tăng lên 2,6 lần, mật độ ném bom tăng lên 20 lần. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta xác định: “kiên quyết đánh bại âm mưu ngăn chặn của địch, đảm bảo giao thông thông suốt, tích cực chi viện cho tiền tuyến, đẩy mạnh tiến công địch, giành thắng lợi to lớn hơn…”.
Ba đội tàu Giải Phóng, Tự Lực, Quyết Thắng được Cục Vận tải Đường biển phân công hoạt động liên tục ở cả 2 vùng: Vùng bị địch bắn phá từ Nghệ An trở vào Nam và vùng từ vĩ tuyến 19 trở ra. Đồng thời chuẩn bị lực lượng sẵn sàng chớp thời cơ thực hiện các chiến dịch vận tải quy mô lớn cho Khu IV.
Do có chủ trương đúng đắn, vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ vận tải phục vụ cho các chiến dịch, vừa phát triển phương tiện và lực lượng thuyền viên, từ đầu năm 1968, số phương tiện đã tăng 2,4 lần về trọng tải, 11,9 lần về công suất so với năm 1964. Lực lượng thuyền viên từ 1129 người từ năm 1965 lên 1847 người năm 1968, số thuyền trưởng tăng 12 lần, máy trưởng tăng 10 lần và thuyền phó tăng 6,5 lần.
Chiến dịch VT5: Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, và trực tiếp chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng, đây là chiến dịch vận chuyển đặc biệt lớn nhất từ trước đến thời điểm bấy giờ. Nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, Cục Vận tải Đường biển chỉ đạo toàn ngành chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng chớp thời cơ thực hiện chiến dịch vận tải quy mô lớn cho Khu IV. Đúng 20h ngày 01/11/1968, khi Tổng thống Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, chiến dịch bắt đầu.
Cục Đường biển đã huy động 70% lực lượng của các đội tàu gồm 33 tàu Giải Phóng, hàng trăm tàu Tự Lực… cùng các lực lượng vận tải khác tham gia chiến dịch. Chiến dịch VT5 là ngày hội của ngành đường biển, diễn ra khẩn trương, hồ hởi và giành thắng lợi to lớn.
Sau những chiến dịch, các đội tàu trở lại hoạt động theo qui chế thời chiến, sẵn sàng và kịp thời đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
. . .
Ghi chép : Hà Đức Bàng – Nguyên thủy thủ đội tàu Giải Phóng, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam ( VIMC – VINALINES )